Nuôi gà con hiệu quả sau khi đã lựa chọn được con giống tốt, bà con cần phải tìm hiểu thật nhiều kiến thức về đặc điểm sinh lý của gà con và các kỹ thuật nuôi để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Đòi hỏi bà con phải tỉ mỉ và kiên nhẫn để có thể chăm sóc tốt nhất và giảm tối đa tỉ lệ chết cho đàn gà con.
1. Đặc điểm sinh lý gà con
Gà con mới nở có khả năng điều tiết thân nhiệt kém, chưa ổn định, thân nhiệt thấp hơn gà trưởng thành (38oC ). Gà con dễ chết vì lạnh do lớp lông tơ mỏng cùng với khả năng sinh nhiệt kém nên cơ thể gà con dễ mất nhiệt. Do đó việc sưởi ấm cho gà con rất quan trọng.
1.1 Phải làm quen với các điều kiện ngoại cảnh:
Gà con phải tập làm quen với các điều kiện bên ngoài rất khác biệt so với môi trường máy ấp trứng như: nguồn dinh dưỡng, điều kiện nhiệt độ, ánh sáng,… Để giúp gà con sinh trưởng và phát triển tốt hơn cần chăm sóc cẩn thận để gà con hoàn thiện chức năng sinh lý từ những ngày đầu đời.
1.2 Nhu cầu dinh dưỡng cao:
Trong khoảng 1 tuần đầu sau khi ấp, nhu cầu dinh dưỡng của gà con rất cao nhưng vì chức năng hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên thức ăn cho chúng phải dễ hấp thu, đặc biệt là phải có đủ và cân bằng các axit amin như lysin, methionin và các loại vitamin (A, C …)
1.3 Khả năng kháng bệnh:
Gà con thường mắc các bệnh truyền nhiễm như Newcastle, đậu, gumboro và viêm thanh khí quản truyền nhiễm…Vì vậy gà bố mẹ phải chất lượng, đặc biệt là gà mẹ phải được chủng ngừa tốt thì gà con mới có khả năng kháng bệnh tốt nhờ kháng thể từ mẹ truyền qua lòng đỏ trứng.
Gà con mới nở
Trước khi bắt gà con về nuôi, chúng ta cần chuẩn bị trước chuồng trại và các thiết bị cần thiết cho gà con.
2. Chuồng trại
Chuồng cho gà con là chuồng úm, được vệ sinh và sát trùng trước khi thả gà con vào, bằng cách dùng formol 2% hoặc Crezin, Hanlamid xịt để sát trùng. Nếu là chuồng úm cũ của đợt nuôi trước cần phải để trống ít nhất 3 tuần trước khi nuôi đợt mới.
Nếu chuồng úm có những chỗ bị hỏng hoặc lưới rách cần được sửa chữa để tránh tổn thương đến gà. Sàn lồng úm bằng lưới có kích thước khoảng 1 cm để chân gà con không bị lọt xuống làm gãy chân và không đọng phân giúp chuồng úm sạch sẽ hơn tránh bị nhiễm bệnh cầu trùng. Nên trải nền úm bằng xốp trong mấy ngày đầu để gà con tập ăn, vừa giữ ấm và tránh đc gió lùa dưới lên. Sau vài ngày gà con cứng cáp xốp hơn thì tháo miếng ra.
Nếu úm gà trên nền đất, phải chuẩn bị chất độn như trấu hoặc lá trầu dày 10-15 cm. Nếu dùng trấu phải phủ thêm một lớp giấy lên trên trong những ngày đầy để tránh gà con ăn phải chất độn hoặc phần cạnh sắc của trấu làm trầy xước chân và da gà.
2.1 Một số lưu ý khi đặt chuồng úm:
- Bố trí ở đầu hướng gió
- Không đặt gần chuồng gà trưởng thành để tránh lây lan bệnh
- Đặt nơi khô ráo, tránh mưa tạt, gió lùa, an toàn, tránh chó, mèo, chuột gây hại gà con.
- Lúc thời tiết lạnh hoặc ban đêm, chuồng úm cần được che kín để giữ nhiệt.
2.2 Mật độ chuồng úm thích hợp theo độ tuổi là:
Tuẩn tuổi | Mật độ Trung Bình (con/m2) | |
Mật độ tối thiểu | Mật độ tối đa | |
1 | 30 – 35 | 30 – 45 |
2 | 20 – 25 | 25 – 30 |
3 | 15 – 20 | 20 – 25 |
4 | 12 – 15 | 15 – 20 |
Tối đa mỗi chuồng úm là 200 – 300 con gà, đề phòng khi lạnh hoặc mất điện chúng sẽ xúm và đè lấn nhau gây chết.
Sau khi chuẩn bị xong chuồng úm, chúng ta cần chú ý đến điều kiện nhiệt độ và chiếu sáng cho đàn gà con.
Ảnh 2: Chuồng úm gà
3. Nhiệt độ và chiếu sáng trong việc nuôi gà con rất quan trọng
Nhiệt độ được điều chỉnh theo độ tuổi và quan sát sự mọc lông của gà, số tuần tuổi càng cao, lớp lông gà con mọc dày hơn, khả năng giữ nhiệt của gà con phát huy chức năng nên cần phải điều chỉnh nhiệt độ úm gà giảm dần. Cụ thể:
Tuẩn tuổi | Nhiệt độ nguồn sưởi (oC) | Nhiệt độ dưới đèn (oC) | Nhiệt độ chuồng (oC) |
1 | 38 | 33- 35 | 27- 29 |
2 | 35 | 31 – 33 | 25 – 27 |
3 | 32 | 29 – 31 | 23- 25 |
4 | 29 | 27 – 29 | 24 – 25 |
Vời khi hậu nhiệt đới ở nước ta, vào mùa đông thường úm trong 3 tuần, và mùa hè là 2 tuần.
Những nơi có khí hậu nóng như các tỉnh phía Nam hoặc cả nước vào mùa hè, gà thường được sưởi ấm cả tuần đầu tiên, sang tuần thứ 2 chỉ cần sưởi ấm vào ban đêm hoặc có mưa gió nhiệt độ giảm còn 27oC.
Bên cạnh đó bà con nên quan sát những biểu hiện của đàn gà như sau:
- Nếu thiếu nhiệt: gà con sẽ xúm lại xung quanh nguồn nhiệt, kêu chiếp chiếp không ăn.
- Thừa nhiệt: gà con sẽ tránh xa nguồn nhiệt, thở há miệng.
- Nhiệt độ thích hợp: gà đi lại nhanh nhẹn và ăn uống bình thường.
Thời gian và cường độ chiếu sáng cũng rất quan trọng. Ánh sáng giúp gà con tăng trưởng và kích thích cơ thể phát triển tốt hơn.
Trong thời gian đầu, gà con cần được chiếu sáng liên tục để chúng ăn uống cả ngày, gà sẽ phát triển nhanh và khỏe mạnh.
3.1 Chế độ chiếu sáng như sau:
Tuần tuổi | Thời gian chiếu sáng (h/ngày) |
1- 3 | 24 |
4 – 6 | 16 |
7 – 17 | 8 (dùng ánh sáng tự nhiên) |
Gà con có hệ tiêu hóa và đường ruột còn yếu, khả năng tiêu thụ thức ăn chưa tốt. Chính vì vậy cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho gà con.
3.2 Chế độ dinh dưỡng cho gà con
Để gà con có thể ăn và uống, chúng ta cần chuẩn bị máng ăn và máng uống phù hợp với chiều cao của gà con.
Máng ăn: có thể cho gà con ăn tập ăn trên giấy trải ở nền chuồng trong 1 -2 ngày đầu, sau đó thay bằng máng tròn hoặc dài. Máng có chiều cao khoảng 3 – 5 cm và chiều dài tùy thuộc vào số lượng gà ( đảm bảo 5cm/con). Nên chọn máng có gờ để gà con không bới thức ăn.
Máng uống: có cầu trúc phù hợp với gà con và đặt ở độ cao sao cho gà uống được mà không bị ướt cổ. Phải dùng nước sạch cho gà uống.
Nếu dùng núm cho gà con uống nước cần tập cho gà con làm quen với núm bằng cách đưa mỏ gà vào núm uống đến khi gà có thể tự mổ uống được. Chỉ cần tập cho gần nửa đàn gà uống được là chúng có thể bắt chước nhau.
Bố trí máng ăn và máng uống đủ gần để gà con không phải di chuyển quá xa (>0,5m).
Gà con uống nước bằng núm
Khi gà mới nhập về tức 1 ngày tuổi, trong bụng gà con vẫn còn sót lại chút lòng đỏ nên cần phải tiêu hóa hết. Vì vậy trong ngày đầu tiên bà con không nên cho ăn mà chỉ cho uống nước có bổ sung vitamin và kháng sinh giúp hệ tiêu hóa của gà con được khỏe mạnh và tăng sức đề kháng. Cách pha gồm: 50g đường Gluco, 1g Permasol, 1g VitaminC hòa tan trong 1 lít nước sạch cho gà uống. Sau 2-4h thay bằng nước lọc.
Sang ngày thứ 2, chọn loại cám dành riêng cho gà từ 1 đến 3 tuần tuổi, những loại thức ăn này được nghiên cứu phù hợp với khả năng tiêu hóa thức ăn của gà con. Đổ khoảng 1/3 khay để tránh hao phí thức ăn do gà con bới. Đổ thức ăn 3-4 lần/ngày. Trong những giờ đầu phải quan sát và đánh giá xem gà con tiếp cận được thức ăn và nước uống thuận tiện không.
Trong suốt gia đoạn úm bà con cần chú ý đến các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, thức ăn ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gà. Đặc biệt phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ máng ăn và máng uống, thay thức ăn và nước uống cho gà để gà tránh bị nhiễm khuẩn.
4. Cách phòng bệnh khi nuôi gà con:
3 ngày đầu: cho uống kháng sinh có bổ sung vitamin ADE và B complex hòa tan vào nước sạch. Giúp phòng một số bệnh do vi khuẩn như bệnh thương hàn, bệnh hô hấp mãn tính (CRD), viêm rốn và bệnh do E.coli. Nếu gà con hở rốn hoặc còn dây rốn phải cắt bỏ và sát trùng rốn bằng cồn iot 0,5 % hoặc xanh metylen 1 %.
7 ngày tuổi nhỏ chủng đậu và nhỏ Lasota cho gà để phòng bệnh Newcastle. Liều dùng theo hướng dẫn sử dụng.
14 ngày tuổi trộn kháng sinh Neomycin 1g/1kg thức ăn. Neomycin có tác dụng với phần lớn các vi khuẩn Gram âm và Gram dương gây nên các nhiễm khuẩn ngoài da.
24 ngày tuổi nhỏ Lasota lần 2 để đàn gà phát triển khỏe mạnh.
Với những kiến thức trên, hy vọng có thể giúp ích cho bà con trong việc nuôi gà con thành công, đạt tỉ lệ sống tối đa.
Công ty Cổ phần SUMO NHẬT VIỆT
Hotline: 0962 567 869
Website: https://demo10.vinasite.top
Email: sumonhatv@gmail.com
Địa chỉ: số 39, ngõ 189/61 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội.